Thần tốc làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2

Với sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ, Thủ tướng, sự vào cuộc quyết liệt của lãnh đạo Bộ GTVT cùng các địa phương, Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 (gồm 12 dự án thành phần) tạo ra những dấu mốc chưa có tiền lệ.

Riêng công tác khảo sát địa hình, địa chất đến nay đã cơ bản hoàn thành, giảm một nửa thời gian so với những dự án có quy mô tương tự.

Thần tốc làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 1

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ kiểm tra hướng tuyến dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa phận Quảng Ngãi đầu tháng 2/2022. Ảnh: Đại Thắng

Tinh thần làm việc như xung trận

Hơn 3 tháng kể từ ngày Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 được Quốc hội thông qua, nhiều chuyến xe từ trụ sở Bộ GTVT được điều động, đưa lãnh đạo Bộ và các đoàn công tác đến làm việc trực tiếp tại hiện trường các dự án thành phần, không kể ngày thường hay cuối tuần.

Từ tháng 2/2022 đến nay, đã có hơn 30 chuyến đi khảo sát tuyến, làm việc với địa phương của lãnh đạo Bộ về cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2.

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được Quốc hội thông qua với hàng loạt cơ chế đặc thù, mang tính mở để thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện cấp bách. Mục tiêu cuối cùng là dự án hoàn thành sớm trong kỳ trung hạn, đảm bảo nguồn vốn đầu tư công phát huy được hiệu quả.
Thời gian qua, Bộ GTVT đã có sự vào cuộc quyết liệt cả về phối hợp thực hiện hồ sơ pháp lý và bàn giao hồ sơ cọc GPMB. Trên cơ sở đó, các Bộ, ngành, địa phương cũng cần có sự vào cuộc rốt ráo để dự án đáp ứng tiến độ, góp phần phục hồi kinh tế.

ĐBQH Phạm Văn Hòa


“Mỗi chuyến đi là thêm một lần tạo điều kiện thuận lợi cho Ban QLDA, tư vấn tăng tốc tiến độ khảo sát, lập thiết kế cơ sở”, ông Nguyễn Trung Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật - Thẩm định, Ban QLDA Thăng Long chia sẻ và nhớ lại quá trình khảo sát 2 dự án thành phần qua tỉnh Hà Tĩnh, hướng tuyến cao tốc phải qua hậu cứ E92 để tránh khu dân cư.

“Khi tới nơi, lãnh đạo Bộ đã mời lãnh đạo Quân khu 4 và BCH quân sự tỉnh làm việc trực tiếp tại hiện trường. Việc thống nhất cho hướng tuyến cao tốc đi qua diễn ra nhanh chóng”, ông Sơn nói và cho biết, đây là đất quốc phòng, nếu Ban QLDA, tư vấn độc lập làm việc, thỏa thuận, thời gian xử lý sẽ kéo dài, tiến độ bàn giao hồ sơ cọc GPMB cho địa phương sẽ bị ảnh hưởng.

Với ông Phạm Hữu Sơn, Tổng giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT (TEDI) - đơn vị đang tham gia tư vấn 9/12 dự án thành phần, sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị thời gian qua đã và đang “kích hoạt” tinh thần làm việc như lao vào “trận đánh” của hàng nghìn kỹ sư, tư vấn trên toàn dự án.

“Riêng TEDI huy động hơn 1.000 cán bộ, kỹ sư khảo sát, thiết kế tuyến trong điều kiện Covid-19 diễn biến phức tạp, từng có thời điểm 30% lao động tham gia là F0.

Song, nhận thức rõ sự cấp bách của dự án, các kỹ sư đã tình nguyện vừa chữa trị, vừa làm việc tại khu vực riêng biệt để hoàn thành đúng kế hoạch được giao”, ông Sơn chia sẻ.

Thần tốc “trao tay” hồ sơ mặt bằng

Cũng theo ông Sơn, dù là việc chưa từng có tiền lệ tại các dự án giao thông trước đây, song việc chia 3 đợt bàn giao hồ sơ cọc GPMB của Bộ GTVT là một quyết định sáng suốt.

Với hướng đi này, thời điểm báo cáo nghiên cứu khả thi dự án được phê duyệt (dự kiến ngày 30/6/2022), địa phương đã có tối thiểu 3 tháng triển khai các thủ tục GPMB (dải thửa, kiểm đếm, lên phương án đền bù…), khi thời gian bàn giao hồ sơ cọc GPMB được rút ngắn chỉ còn 2 tháng.

So với trước đây, thời gian này có thể mất đến 6 tháng khi hồ sơ cọc GPMB hầu như chỉ được bàn giao khi xong bước thiết kế kỹ thuật.

Theo lãnh đạo Phòng Dự án đầu tư 2, Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Cục QLXD&CLCTGT, Bộ GTVT), ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 18 triển khai Nghị quyết 44/2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư dự án, các mốc bàn giao hồ sơ thiết kế cọc GPMB được Bộ GTVT yêu cầu hoàn thành trong 3 đợt: trước ngày 15/3, trước ngày 30/4 và trước ngày 30/6/2022 (đối với đoạn tuyến phức tạp).

Triển khai cơ chế đặc thù thực hiện công tác GPMB song song với bước lập dự án đầu tư, quy trình làm việc giữa các cấp cũng nhanh chóng thay đổi để bắt kịp tiến độ.

Thông thường, Cục QLXD&CLCTGT chỉ vào cuộc thẩm định hồ sơ thiết kế cọc GPMB sau khi tư vấn thẩm tra rà soát kết quả của tư vấn thiết kế, có báo cáo cụ thể. Nhưng tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, đơn vị này đã cắt cử chuyên viên nhập cuộc với các đơn vị tư vấn ngay từ đầu, khảo sát, định hướng cho tư vấn các phương án thiết kế.

Để hạn chế tối đa trường hợp hồ sơ nộp lên bị trả về sửa lại, những cuộc họp trực tuyến diễn ra liên tục để thảo luận, xử lý vướng mắc.

Nhờ đó, tính đến ngày 10/4, các Ban QLDA đã bàn giao hồ sơ cọc GPMB cho địa phương được hơn 170km so với 136km bàn giao đợt 1 (từ 13 - 15/3/2022).

Mặc dù thời gian bàn giao hồ sơ cọc GPMB được chia thành các đợt, song Bộ GTVT đã chỉ đạo các Ban QLDA làm “cuốn chiếu”, được đoạn nào bàn giao ngay đoạn đó, không phải chờ đến hạn ấn định mới thực hiện.

Ngày đêm bám rừng hoàn thiện hồ sơ chuyển đổi

 

Đại diện Cục QLXD&CLCTGT cho biết, với tinh thần làm việc không quản ngày đêm từ cấp lãnh đạo đến cán bộ hiện trường, tính đến nay, công tác khảo sát địa hình, địa chất của 12 dự án thành phần đã cơ bản hoàn thành, giảm một nửa thời gian so với một dự án có quy mô tương tự triển khai theo quy trình thông thường.

Thế nhưng, để được phê duyệt, dự án còn phải trải qua rất nhiều thủ tục như: lập báo cáo tác động môi trường, khung chính sách GPMB, thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, giám sát đầu tư cộng đồng,…

Trong đó, chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ là thủ tục có khối lượng rất lớn, được xác định là một trong những yếu tố quyết định tiến độ dự án.

Trực tiếp tham gia thực hiện thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất rừng cho 2 dự án thành phần Ban QLDA 6 làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Trung, Phó trưởng phòng Điều hành dự án 4 cho biết, để có được tờ trình cấp có thẩm quyền địa phương, nửa tháng trước đó, các Ban QLDA phải vào địa phương tiếp cận làm việc, báo cáo Sở NN&PTNT, TN&MT, Chi cục Kiểm lâm phối hợp điều tra thu thập số liệu, xây dựng báo cáo thuyết minh, bản vẽ.

Để kịp thời có hồ sơ báo cáo địa phương xem xét, trình các Bộ chuyên ngành thẩm định, ròng rã trong 7 - 15 ngày, cứ 6h30 sáng, kỹ sư, tư vấn phải có mặt tại Chi cục Kiểm lâm để đi hiện trường. Có những khi 21-22h về đến phòng chỉ kịp tranh thủ sinh hoạt cá nhân rồi lại lao vào làm việc.

Rút ngắn tiến độ nhờ rõ trách nhiệm

Khối lượng công việc lớn, song, đại diện Ban QLDA 6 (đơn vị được giao đầu mối chủ trì hoàn thiện hồ sơ, phối hợp với công tác Bộ, ngành trong công tác thẩm định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng và đất trồng lúa nước) cho biết, nhờ sự phân giao rõ ràng trách nhiệm từng Bộ, ngành với các mốc thời gian cụ thể thực hiện thủ tục pháp lý của dự án, thời gian trình, phê duyệt hồ sơ đề nghị chuyển đổi đã có sự thay đổi đáng kể.

Đơn cử, dự án thành phần Bùng - Vạn Ninh được Ban QLDA 6 gửi Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Bình từ ngày 25/3/2022, hơn 10 ngày sau, bước thẩm định ở địa phương đã xong trình Bộ chuyên ngành.

Đến khoảng 15/4, nội dung chuyển mục đích sử dụng rừng, đất rừng đất lúa sẽ được trình Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp tổ chức trong tháng 5. Nghĩa là, thời gian từ lúc Ban QLDA trình địa phương đến khi được phê duyệt chỉ khoảng 2 tháng.

Trước đó, với dự án thành phần Diễn Châu - Bãi Vọt thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, tờ trình đề nghị chuyển mục đích sử dụng rừng được Ban QLDA 6 trình Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An từ ngày 17/6/2021 nhưng hơn 6 tháng sau, đến ngày 29/12/2021 mới được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương.

Cũng theo Ban QLDA 6, tại dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, có 7/7 tỉnh phải lập hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng rừng. 12/12 tỉnh phải tổng hợp nhu cầu cần chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên.

Sau khi nhận nhiệm vụ Bộ GTVT giao, ngay từ tháng 2/2022, Ban QLDA 6 đã sang Bộ TN&MT “tiền trạm”, nhờ hướng dẫn các thủ tục cần triển khai để hướng dẫn các Ban QLDA khác. Thời điểm hiện tại, tiến độ triển khai thủ tục liên quan đến chuyển đổi đất rừng và đất trồng lúa nước hai vụ vẫn bám sát tiến độ.

 

- Theo chủ trương đầu tư được phê duyệt, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2 được GPMB theo quy mô 6 làn xe, đoạn Cần Thơ - Cà Mau quy mô 4 làn xe theo quy hoạch được duyệt.

Theo tính toán, tổng diện tích đất chiếm dụng của dự án khoảng gần 5.500ha. Trong đó, đất trồng lúa hai vụ khoảng hơn 1.500ha, đất nông nghiệp khác khoảng 1.280ha, đất dân cư khoảng hơn 500ha, rừng phòng hộ khoảng 110ha, rừng sản xuất khoảng hơn 1.400ha, đất khác khoảng 621ha.

Theo yêu cầu tại Nghị quyết số 18 của Chính phủ, các địa phương phải thực hiện bàn giao 70% diện tích mặt bằng của các gói thầu xây lắp khởi công trước ngày 20/11/2022 và bàn giao toàn bộ diện tích còn lại trong quý II/2023.

- Tính đến hiện tại, Bộ GTVT đã chấp thuận hồ sơ thiết kế cắm cọc GPMB 215km, các Ban QLDA đã phê duyệt bàn giao cho địa phương hồ sơ cắm cọc hơn 170km.

- Theo kế hoạch dự kiến, việc lựa chọn nhà thầu xây lắp sẽ được hoàn thành trước ngày 20/11, khởi công dự án trong tháng 12/2022.

TIN NỔI BẬT
  • Thần tốc làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
  • Thông báo danh sách và Giấy mời dự họp Đại hội cổ đông năm 2022
  • Lễ Khánh Thành và gắn Biển công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên
  • Sắp thanh tra việc bổ nhiệm lãnh đạo ở các bộ ngành, địa phương nào?
  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kịp hoàn thành vận hành thử trong năm 2020?
  • PMU Thăng Long chuẩn bị đầu tư 11 dự án giao thông lớn
  • Mua xe cũ cần lưu ý gì để khỏi bất ngờ vì thời hạn đăng kiểm quá ngắn?
  • “Tuổi thọ” đường băng Nội Bài có thể lên tới 50 năm
  • Thông xe cầu Mây kết nối giữa Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18
  • Quyết nghị Đại hội cổ động thường niên năm 2020
  • Số lượt truy cập:

    Số người đang online: