ATGT tại Hà Giang vẫn “nóng”
Thời gian qua tình hình trật tự ATGT tại tỉnh Hà Giang diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn và số người chết đều tăng so với cùng kỳ 2010. Để đạt mục tiêu giảm từ 5 - 10% số vụ và người chết do TNGT trong năm 2012, các cấp, ngành trong tỉnh phải nỗ lực hơn nữa thực hiện các giải pháp đảm bảo ATGT.

Ngay trong tháng đầu tiên của năm 2012, 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Vị Xuyên và TP. Hà Giang đã cướp đi 7 sinh mạng. Còn theo thống kê năm 2011, số vụ TNGT tăng 4,4%, nhưng con số người tử vong do TNGT lại tăng hơn 34,4% so với 2010. Đó là con số báo động đe dọa mục tiêu đã đặt ra của tỉnh Hà Giang.

Có nhiều nguyên nhân khiến tình hình TNGT tại Hà Giang tiếp tục phức tạp, trong đó nguyên nhân chính là lượng phương tiện giao thông cá nhân đang tăng khá nhanh. Riêng năm 2011, đã có trên 4.000 phương tiện giao thông được đăng ký mới, trong đó có đến 412 xe ô tô và phần còn lại là xe máy.

Hiện nay, tổng số ô tô, xe máy tỉnh đang quản lý là gần 152.000 xe, trong đó có gần 6.000 xe ô tô. Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng giao thông chưa theo kịp sự gia tăng phương tiện. Nhiều tuyến đường núi đã xuống cấp trầm trọng. Cả 4 tuyến QL trên địa bàn chỉ có 36% đạt cấp IV, cấp III, còn lại chủ yếu là mặt đường đá dăm nhựa. Nhiều đường ngang dân sinh giao cắt khiến làm tăng nguy cơ TNGT. 5 tuyến tỉnh lộ có 33% đạt cấp V, còn lại chủ yếu là đường cấp VI.

Hơn nữa, ý thức chấp hành Luật Giao thông của người dân khi tham gia giao thông chưa cao. Còn một bộ phận không nhỏ người dân vẫn chưa nắm rõ luật, thiếu ý thức chấp hành luật. Không chỉ riêng vùng sâu, vùng xa, ngay tại trung tâm như TP. Hà Giang, vẫn xuất hiện không ít đối tượng thường xuyên điều khiển xe máy không đội MBH, dàn hàng ngang, đánh võng lạng lách.

Có thực tế trên tuyến QL 37 và 4C mới thấy hết được tình hình phức tạp về ATGT tại Hà Giang. Nạn chở ba, chở bốn trên mô tô rất nhức nhối, nhiều người đi xe máy không đội MBH. Hệ thống biển báo hiệu và tuyên truyền pháp luật ATGT gần như không có.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ GTVT và Ủy ban ATGT Quốc gia đã làm việc với tỉnh Hà Giang. Theo ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT Quốc gia, Hà Giang là tỉnh có số vụ TNGT tăng cao trong năm 2011. Đặc biệt để xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Tuy vậy, tổng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATGT chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng/năm.

Cần phải làm rõ nguyên nhân, có hay không việc chưa triển khai quyết liệt công tác tuần tra kiểm soát, xử phạt. Ông Hiệp cũng cho rằng, phải làm rõ trách nhiệm của cấp huyện, xã và các sở ngành liên quan trong việc để tình trạng người dân không đội MBH rất phổ biến. Trên đường còn thiếu các pano, áp phích tuyên truyền ATGT.

Ông Đàm Văn Bông - Chủ tịch UBND tỉnh vừa ra Chỉ thị yêu cầu các cấp, ngành trong tỉnh tăng cường chỉ đạo, tuyên truyền, TTKS giao thông. Ông cho biết, sau một tháng ra quân thực hiện cao điểm Năm ATGT 2012, nhưng tình hình TNGT vẫn diễn biến phức tạp, ý thức tự giác chấp hành các quy định về trật tự ATGT của một bộ phận người dân chưa cao, tình trạng người đi mô tô, xe gắn máy không đội MBH, không tuân thủ tốc độ khi lái xe, tùy tiện lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn phổ biến. Nhiều địa phương thực hiện kế hoạch của tỉnh, của Ban ATGT tỉnh chưa nghiêm. Đặc biệt công tác tuyên truyền còn nhiều yếu kém. Công tác TTKS phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm vi phạm ATGT của các lực lượng chức năng còn nhiều bất cập.

UBND tỉnh yêu cầu cần tăng cường TTKS, xử lý nghiêm minh, kiên quyết, các trường hợp vi phạm pháp luật trật tự ATGT. Bố trí lực lượng CSGT thường xuyên có mặt tại những điểm giao thông phức tạp.

Tăng cường trang thiết bị kiểm tra nồng độ cồn, tổ chức các đợt cao điểm kiểm tra, xử lý đối với người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia (tập trung tại khu vực có nhiều người lái xe uống rượu, bia). Tăng cường công tác tuần tra đảm bảo giao thông trên các tuyến đường bộ quan trọng. Nghiên cứu đề xuất lắp đặt camera tại các tuyến phố chính, những vị trí thường xảy ra hiện tượng đua xe trái phép để quản lý, xử lý phương tiện hiệu quả hơn nữa.

Nghiên cứu đề xuất việc xử lý vi phạm ATGT có hiệu quả, có tính răn đe cao, có thể xử lý tại nhà, tại cơ quan, qua hệ thống camera, phối hợp thông báo lên đài truyền hình, về địa phương, về cơ quan từng ngày danh sách các đối tượng vi phạm ATGT. Chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng, tổ chức cho CSGT có lịch đối thoại trên truyền hình để khắc phục tồn tại, tìm ra các biện pháp hữu hiệu trong công tác kiềm chế TNGT.

Chỉ thị cũng yêu cầu sớm thống nhất với Tổng cục Đường bộ Việt Nam ưu tiên nguồn vốn xây dựng hoàn thiện hệ thống cọc tiêu biển báo hiệu đối với hệ thống đường quốc lộ, từng bước hoàn thiện hệ thống tường hộ lan những vị trí cần thiết. Tổ chức thống kê, phân loại và xử lý các đường đấu nối trái phép vào hệ thống quốc lộ trên địa bàn được giao quản lý. Trong quý I/2012 phải giải quyết dứt điểm các trường hợp xây dựng trái phép, lấn chiếm lòng lề đường.

Thiện Anh

TIN NỔI BẬT
  • Thần tốc làm 12 dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
  • Thông báo danh sách và Giấy mời dự họp Đại hội cổ đông năm 2022
  • Lễ Khánh Thành và gắn Biển công trình cầu vượt Nguyễn Văn Huyên
  • Sắp thanh tra việc bổ nhiệm lãnh đạo ở các bộ ngành, địa phương nào?
  • Đường sắt Cát Linh - Hà Đông có kịp hoàn thành vận hành thử trong năm 2020?
  • PMU Thăng Long chuẩn bị đầu tư 11 dự án giao thông lớn
  • Mua xe cũ cần lưu ý gì để khỏi bất ngờ vì thời hạn đăng kiểm quá ngắn?
  • “Tuổi thọ” đường băng Nội Bài có thể lên tới 50 năm
  • Thông xe cầu Mây kết nối giữa Quốc lộ 5 và Quốc lộ 18
  • Quyết nghị Đại hội cổ động thường niên năm 2020
  • Số lượt truy cập:

    Số người đang online: